Trang nhất
  Xã Luận
  Đọc Báo Trong Nước
  Truyện Ngắn
  Kinh Tế
  Âm vang sử Việt
  Tin Thể Thao
  Y Học
  Tâm lý - Xã hội
  Công Nghệ
  Ẩm Thực

    Diễn Đàn Biển Đông
Bắc Kinh yêu cầu Manila ngừng khiêu khích ở Biển Đông
    Hình Ảnh Quê Nhà - Video Clip
Nồng ấm Tết cổ truyền dân tộc Khmer Chôl Chnăm Thmây
    Tin Thế Giới
Ấn Độ, Israel tiến hành diễn tập an ninh chung
    Tin Việt Nam
Lãnh đạo Việt Nam gửi điện thăm hỏi Campuchia sau vụ nổ kho đạn
    Tin Cộng Đồng
Nắng nóng kỷ lục tại nhiều bang của Ấn Độ
    Tin Hoa Kỳ
Mật vụ Mỹ lên kế hoạch bảo vệ trong trường hợp ông Trump bị giam giữ
    Văn Nghệ
Huế
    Điện Ảnh
Lý Hải trở thành đạo diễn nghìn tỷ đồng
    Âm Nhạc
Danh tính nữ ca sĩ Việt may mắn gặp Rosé (Blackpink), lại còn chiêu đãi fan ảnh cam thường
    Văn Học
Bắt học sinh đi học ngày nghỉ lễ Giỗ tổ Hùng Vương, hiệu trưởng bị xem xét kỷ luật

Thông Tin Tòa Soạn

Tổng biên tập:
Tiến Sĩ
Nguyễn Hữu Hoạt
Phụ Tá Tổng Biên Tập
Tiến Sĩ
Nhật Khánh Thy Nguyễn
Tổng Thư ký:
Quách Y Lành




   Truyện Ngắn
Bên Ni Bờ Thương Nhớ
Tiếng la hét của bà Cửu Phẩm vẫn còn văng vẳng sau lưng, An cúi đầu bước nhanh hơn. Ra tới gần mé sông vừa bỏ thau áo quần xuống đất, An ngồi phệch theo giấu khuôn mặt trong hai bàn tay khóc ấm ức.

 


Trưa nắng hè, bến sông vắng lặng. Bên kia bờ chiếc ghe con nằm yên trên mặt nước. Ngọn gió nồm mát rượi thổi tới, vỗ về lau khô những giọt mồ hôi nhễ nhại trên tấm lưng nhỏ của An. Một lúc dường như đã chán ngắt với những cơn khóc mỗi ngày, An đưa tay quyệt vội lên mặt, thỉnh thoảng vẫn còn nấc lên tiếng tức tưởi. Ngẫn mặt nhìn qua vườn bắp non bên kia bờ, nàng lặng yên nghe ngóng, không hiểu vì cớ gì tiếng sáo của Ngàn hôm nay vắng bặt. An chỉ nghe tiếng gió rì rào của những đọt tre trên đầu. Ngóng tai thêm tí nữa, tiếng sáo vẫn bặt hơi. Đổ thau áo quần trên tảng đá bằng phẳng bên cạnh, nhúng ướt từng cái, xong nàng mở bọc xà phòng vào hòa với nước vò hết đống áo quần trong thau.


 


            Hai bàn tay cọ xát, ngâm nước mãi nên giờ nầy mấy đầu ngón tay méo móp đỏ rực lên. An chăm chú nhìn rồi cất tiếng thở dài tiếc thương. Cái dáng cao sang qúi phái không còn nữa, kể từ ngày ra ngoài nầy làm dâu nhà Tuất. Mai mốt không biết khi qua bên Mỹ rồi, có thay lại màu da trắng nỏn của An như trước hay không. Về đây mới có tám tháng, nhưng nàng đã thay đổi quá nhiều, từ nước da cho đến đầu tóc. Chân lúc nào cũng trần trụi. Mấy đôi giày cao gót dẹp lại một chỗ từ lâu không nhìn lại, chẳng có dịp để mang vào. Mấy bộ áo quần bằng hàng lụa đã bị xếp lại một bên, thay vào đó lúc nào trên người An cũng chiếc áo phin nỏn trắng và quân sa tanh đen, chẳng khác gì cô gái ở vườn quê. Về đây, không một ai quen biết đôi khi An cảm thấy mình nhỏ bé và cô đơn cùng cực. Tuất về vài tháng rồi lại đi, để An sống bên cạnh bà mẹ chồng góa phụ khó khăn, khuôn mặt nhăn nhó suốt ngày. Tuất có nói điều nầy cho nàng hay trước khi về Huế, nhưng An vẫn tin chắc có khó khăn chăng nữa bà vẫn sẽ thương nàng, vì Tuất con một chẳng lẽ bà ghét nàng hay sao. Xong mọi việc đều khác hẳn từ ngày về làm dâu bà Cửu Phẩm. Bà mẹ chồng khó có tiếng, hôm đầu tiên về đây hàng xóm đã cho nàng biết mọi chuyện, nhưng An vẫn không tin. Đến nay nàng đã nhìn thấy sự thật, bà bắt bẻ từ lời ăn tiếng nói, kể cả việc đi đứng của An. Lúc đầu An luôn luôn giữ nụ cười trên môi, nhưng mỗi ngày không khí giữa hai mẹ con càng nặng nề, nụ cười cũng tắt bặt. Bà chỉ vui khi có Tuất về thăm, những ngày còn lại bà nhìn nàng hậm hà hậm hực. Têm miếng trầu không vừa vôi, bà rầy rà bảo không chịu học, nấu song cơm hơi nhão bà nhăn nhó la hét. Riết An muốn bịt hai tai để khỏi nghe bà cằn nhằn. Niềm ao ước hiện nay của nàng, chóng được qua Mỹ với Tuất để được rời xa bà Cửu Phẩm.


 



            Tiếng huýt gió làm An giật nẫy mình. Ngàn đến tự hồi nào đang đứng sau lưng nàng, một tay cầm chùm dâu sặc màu vàng rực, tay kia cầm mấy trái măng cụt chúm chím nhìn An cười. Như sợ có người bắt gặp cái nhìn của Ngàn, An đảo mắt quanh bờ sông, không trông thấy ai An mới yên tâm cười lại. Ngàn nhảy xuống tảng đá ngồi xuống bên cạnh An:


            - Sáng nay lên Văn Thánh thăm thằng bạn ăn một bụng trái cây no nê, xong  xin nó đem ít trái về biếu chị.


            An cảm động, cố giữ vẻ tự nhiên:


            - Đã đi ăn còn bày đặt đem về.


            - Nhà thằng bạn vườn rộng ê chề, toàn trái cây ngon không chịu được.


            - Họ có bán không hả Ngàn?


            - Chắc có! Nhưng mẹ thằng bạn hiền như bà ma sơ, bạn lâu năm bà chẳng khác chi bà già.


            An chắc lưỡi:


            - Lần sau Ngàn đừng làm như thế, tội nghiệp họ.


            Ngàn lắc đầu:


            - Chỉ có mấy trái cây nầy, chị đã ngại. Không sao đâu, ăn đi. Trái cây vừa hái trên cây ngon tuyệt.


            An dè dặt cầm chùm dâu sặc trên tay Ngàn trao cho nàng, bất chợt tay mình đụng phải tay Ngàn, An cúi đầu giấu vẻ lúng túng của mình. Thấy An chưa chịu ăn, Ngàn vói tay ngắt chùm dâu trên tay nàng lấy hai ngón tay búng khẻ, những miếng vỏ bên ngoài mở ra chia làm bốn dính chặt vào chùm dâu. An ngửa mặt bỏ mấy trái dâu vào miệng, chất ngọt như đường chảy sâu vào họng, nàng nuốt nhẹ. Bắt chước Ngàn, An búng khẻ những trái dâu còn lại, nhìn chăm chú một hồi nàng bật cười nói với Ngàn:


            - Ở trong Nam ăn nhiều loại trái cây, nhưng đây là lần thứ hai tôi được ăn loại dâu nầy. Trái dâu nho nhỏ ngồ ngộ, và thật dễ thương.


            Ngàn nhìn An giải thích:


            - Hình như loại dâu nầy người ta chỉ trồng dưới Truồi, ở đây thỉnh thoảng vài ba nhà mới trồng mà thôi. Sợ không hợp đất đai trên vùng nầy dâu sẽ không được ngọt.


            An gật gù đầu, hai mắt buồn dịu long lanh. Ngàn ngưng nói nhìn An:


            - Mới vừa khóc nữa phải không?


            An cúi gầm giấu mặt không nói. Ngàn chép miệng:


            - Anh Tuất không chịu suy nghĩ. Biết bà già khó tính nhưng vẫn đem chị về đây làm chi cho khổ.


            Câu nói trách móc nầy không phải lần đầu tiên An nghe Ngàn nói, mà cả trăm lần như vậy. Mỗi lần nhìn thấy đôi mắt nàng, Ngàn cũng phải buộc miệng than vãn như thế. 


            An thẩn thờ chống chế:


            - Anh Tuất biết rõ điều nầy, nhưng không thể nào làm sao hơn. Anh qua Mỹ để tôi ở lại trong Sài Gòn không yên tâm, nên mới đem về đây.


            Một thoáng im lặng, Ngàn nói:


            - Phiền phức. Cho mãi tới bây giờ bà mẹ chồng vẫn không hề thay đổi, cứ khăng khăng khó dễ với dâu con làm gì cho mệt thân.


            Vừa dứt câu nói, Ngàn nhảy phóc dậy tay phủi nhẹ sau quần:


            - Lật đật nên quên đem dao cắt mấy trái măng cụt, xin lỗi. Giờ phải về nhà tí, chuẩn bị đi làm. Mai mốt gặp lại. 


            An cũng đứng dậy, xổ hai ống quần xăn cao tận đầu gối xuống:


            - Thôi Ngàn về. Cám ơn nhiều.


 



            Không trả lời, Ngàn leo gọn lên những bậc đá khuất dáng sau lũy tre già. An cất tiếng thở dài, nhớ lại hôm đầu tiên gặp Ngàn lúc đang tắm dưới sông. Trời hè, khí hậu ở Huế nóng bức, loanh quanh làm vừa xong công việc nhà khiến lưng áo nàng mồ hôi nhễ nhại. Nhìn lên nhà trên, bà Cửu Phẩm đang ngồi chăm chú đánh bài với mấy bà bạn, An yên tâm đi thẳng ra bờ sông để cả áo quần trong người đầm mình dưới nước. An sải người bơi một đường dài, vùng vẫy trong cơn nước mát rượi làm cho nàng tỉnh táo hẳn, quên hết mệt nhọc. Mặt trời xỏa nắng xuống trên đầu trên tóc, An lặn hụp mãi một lúc mới chịu bơi gần vào bờ ngồi lên trên tảng đá. Lớp vải trên người dính vào da thịt, An ngửa mặt hít hà cơn gió tìm đến. Giòng nước vẫn lặng lờ trôi đều đặn. Chợt có tiếng reo hò, vỗ tay của những đứa bé bên kia sông, An quay mặt nhìn qua. Không xa mấy nơi phiến đá chỗ nàng ngồi, một thanh niên nằm ngửa thân hình bơi sải dài lại gần. An sợ hãi cuống quýt đưa hai tay khoanh trước bụng che giấu tấm áo ướt thấm trên thân thể nàng. Mấy đứa nhỏ réo lên:


 



            - Anh Ngàn bơi chì nhất xóm, cho anh giải nhất.


            Người thanh niên quay người lại bơi sãi dài đến gầøn phiến đá chỗ An ngồi, nghỉ mệt nhìn nàng cười:


            - Lâu lâu trổ tài hù mấy đứa nhỏ, cô không phiền chứ?


            An vẫn còn hai tay ôm cứng lấy người, lúng túng:


            - Anh...


            Ngàn bơi nhích ra xa:


            - Xin lỗi. Thật ra lúc nãy mấy đứa nhỏ chỉ tôi bơi tận chỗ cô ngồi, tôi muốn bơi thử ra sao.


            - Cô ở trong xóm nầy hả? Ngàn hỏi.


            An gật đầu, chỉ lên phía vườn chuối của mẹ chồng:


            - Tôi ở ngay chỗ đó!


            Ngàn ngạc nhiên:


            - Vậy cô là gì của Tuất?


            An ngượng ngịu, nói trỏng:


            - Vợ của Tuất.


            - Hèn gì.


            Không hiểu câu nói của người thanh niên, nhưng An chợt hỏi lại:


            - Anh quen với Tuất?


            Ngàn bơi ra khỏi nơi nàng ngồi:


            - Bạn học cũ.


            Không chờ cho An hỏi thêm, anh ta phóng người bơi nhanh về bên kia bờ. đám con nít vỗ tay reo cười ầm ỉ.


 



            Cứ như thế, trưa nào An xuống giặt áo quần, bên kia sông Ngàn cũng ngồi vắt vẻo trên cành cây thổi sáo, hoặc đưa tay qua chào nàng. Mãi sau nầy An mới biết Ngàn học cùng lớp với Tuất, trước đây vẫn qua nhà đều đặn nhưng sau ngày Tuất bỏ Huế đi Mỹ, Ngàn không còn qua lại như xưa. Mỗi lần gặp nhau Ngàn nói chuyện trống trỏng, thỉnh thoảng kêu An bằng chị. Ngàn chẳng hề hỏi gì về Tuất, chỉ hay trách móc sao đem An về Huế bỏ nàng lại một mình với bà Cửu Phẩm làm gì. Ngàn vẫn le lưỡi dài mỗi khi nghe nói đến mẹ bạn.


            Có lần vui miệng An hỏi Ngàn:


            - Sao ai cũng bỏ Huế, anh sống mãi nơi nầy làm gì?


            Ngàn thở dài:


            - Người ta muốn bỏ Huế để ra đi để mong tìm một cái gì mới lạ, nhưng riêng tôi chẳng hề có ý nghĩ đó trong lòng. Bỏ đi sao đành, ngày ngày nhìn bà mẹ già còn đó, nhìn giòng sông êm ả vẫn theo ngày tháng chảy trôi, Huế chưa một lần phụ người, nhưng lắm người đã nhiều lần phụ miền đất tha thiết dịu dàng nầy. Với tôi lìa bỏ chốn yêu thương nầy đi không phải dễ.


 



            An bắt chước giọng Huế: Bỏ thì thương, vương thì tội, phải rứa không?


            Ngàn nhìn An dịu dàng:


            - Chị chưa ở đây bao lâu nhưng coi bộ thấm giọng rồi đó.


                                                                         *


Đang đứng phơi mấy bộ áo quần lên sợi giây thừng, An nghe có tiếng gọi nàng ngoài cổng:


            - Cô An ơi! Có thư ở Mỹ gởi về.


            An chùi tay vội lên hai ống quần, lật đật chạy ra. Người đưa thư ngồi vắt người trên chiếc xe đạp, chìa phong bì trước mặt nàng. An lục tay vào túi áo, tươi cười:


            - Cám ơn bác Nghĩa, sao hôm nay có bận lắm không bác?


            Người đàn ông có nước da đen bóng, giọng nói vui vẻ:


            - Ngày mô cũng giống ngày mô, công việc lút đầu. Có như ri mới quên buồn cô ơi!


            An cầm lá thư trong tay, dúi mấy đồng vào tay người đưa thư:


            - Bác cầm mấy đồng chút nữa uống xí rượu cho vui.


            Ông nói hai tiếng cám ơn, kiểng chân lên xe gò lưng đạp khuất dạng sau hàng cây phượng. An nhét bì thư vào túi áo, tần ngần chưa vào vội, chợt nhớ tới thau áo quần chưa phơi hết hẳn trên giây thừng, nàng quày quả bước thẳng ra sân.


            Bà Cửu Phẩm cũng vừa đi thâu hụi về, bỏ đôi guốc gỗ ra trước hiên nhà, miệng nhai trầu:


            - An ơi! Sáng nay có nhận được thư thằng Tuất không con?


            - Nghe bà mẹ chồng gọi, nhưng An chưa lên vội. Lục trong túi áo lấy bức thư Tuất gởi riêng cho mẹ, trả lời:


            - Dạ có mạ.


            Bà Cửu Phẩm cầm lá thư An đưa cho bà, mở rộng phong bì. Một lúc đọc xong, bà ngẩn đầu nhìn con dâu:


            - Hắn nói tháng tám về thăm nhà. Giấy tờ coi bộ xong xuôi mô đó rồi. Mạ cũng muốn hai đứa bây chóng đoàn tụ cho yên chuyện. Chơ cứ đi đi về về như kiểu ni, tốn tiền chịu chi nổi.


            An ngạc nhiên nghe giọng nói của bà Cửu Phẩm dường như dịu ngọt hơn mọi ngày. Nàng nghĩ, chắc hẳn sáng nay đi thâu tiền người ta trả đầy đủ không một ai thiếu, nên nói năng ngọt ngào như thế.


 



            An giấu lá thư Tuất gởi riêng cho nàng, quay người về phía nhà bếp. Không nhìn lại, nhưng An biết bà Cửu Phẩm đang chăm chú nhìn theo nàng. Trở vào phòng, An xé nhanh bao thư của Tuất. Lời thư Tuất viết lúc nào cũng dịu dàng, dặn dò nàng chịu khó hai tháng nữa, hai đứa sẽ gặp nhau. Giấy tờ đã xong xuôi, theo Tuất biết khoảng chừng sáu bảy tháng nữa An sẽ lên đường qua Mỹ. Gấp lá thư để trên mặt bàn, đầu óc nàng trống rỗng, không biết nên vui hay buồn. Phải chăng An cũng vướng câu nói của Ngàn, mới ở Huế chưa đầy bao lâu, nàng cảm thấy quyến luyến nơi miền đất trầm lặng. Không hiểu nơi chỗ Tuất ở có giòng sông êm ả như chốn nầy hay không, An thờ thẩn nghĩ ngợi.


            Bưng rổ đậu xanh kẹp bên hông, bà Cửu Phẩm đưa thêm cái đòn gỗ cho An:


            - Nhớ chịu khó đãi cho hết vỏ nghe con!


            An dạ nhỏ. Mấy tuần lễ nay bà thay đổi lối cư xử với nàng rất nhiều. Giọng bà dịu dàng hơn, hết la hét như trước. Ngày mai, ngày giỗ của ông Cửu Phẩm, bà loay hoay tính thức ăn đãi khách. Chả lụa, nem chua đã đặt xong An vừa lên cửa Đông Ba đem về. Mấy tuần trước bà dặn dò mấy bà bán tôm cá đem tôm bạc to bằng ba ngón tay lại, cá phải tươi ngon. Tất cả bà đều giải thích cho An hiểu:


            - Ngày ba con còn sống, ông ăn uống khó khăn lắm. Món ăn mô cũng phải dọn tươm tất, cá ra cá, tôm ra tôm. Còn ba thứ vặt vãnh ông không hề thò đũa tới. Đừng nói chi cho nhiều, nội món vả thấu với tôm thịt cũng phải chọn loại vả tốt xanh còn trên cây, chớ hái vô hai ba ngày sau ông cũng không đụng. Chừ ông mất rồi, nhưng mỗi năm tới ngày giỗ của ông, mạ cũng phải nấu như hồi ông còn sống, không thôi ông về thăm thấy thức ăn bừa bãi ông giận không vui.


 



            An nghe bà Cửu Phẩm nói chuyện, nàng thấy nổi da gà trên người. Bức hình người cha chồng trên bàn thờ luôn luôn nghiêm nghị nhìn xuống. Ông mất đã khá lâu, nhưng mỗi ngày bà vẫn dọn thức ăn lên bàn thờ, thắp ba cây nhang xong bà đứng nói chuyện như thể ông còn sống, lắm khi An trốn bỏ chạy vào phòng không dám đứng nhìn cử chỉ của bà.Tuất cũng có dặn nàng điều nầy, nhưng hầu như đối với nàng mọi chuyện trong nhà bà Cửu Phẩm quá xa lạ. Lâu lâu bà lại gần tấm hình ông nói vài câu. Nhà chỉ có hai người, nhưng đi chợ thật đều đặn. Mấy lần trước Tuất về thăm thấy mẹ sửa soạn nấu ăn hàng ngày chừng như không vừa ý, chàng nhăn nhó:


            - Mạ làm chuyện kỳ khôi hết chỗ nói. Ai đời ba mất lâu rồi, bữa mô cũng nấu ăn dọn lên bàn thờ như ngày ông còn sống. Nhìn căn nhà nầy riết anh cũng muốn khùng theo.


            Những ngày sống chung với bà mẹ chồng, dần dần An quen tính tình của bà. Nhưng mỗi khi đi ngang qua bàn thờ ông Cửu Phẩm, nàng không khỏi rờn rợn cố bước thật nhanh như trốn chạy.


 

DanQuyen.com
    Phản Hồi Của Độc Giả Về Bài Viết
Họ và Tên
Địa chỉ
Email
Tiêu đề
Nội dung
Gửi cho bạn bè Phản hồi

Các bài viết mới:
    Xa Xóm Mũi (31-03-2024)
    X - Năm Một Ngàn Chín Trăm Năm Xưa (31-03-2024)
    Vị Của Lời Câm (31-03-2024)
    Neo Lại Bóng Mình (18-02-2024)
    Bóng Của Thành Phố (18-02-2024)
    Chuyện Cục Kẹo (24-01-2024)
    Con Trai Và Má (24-01-2024)
    Củi Mục Trôi Về (24-01-2024)
    Bùa Yêu Và Con Nhỏ Thất Tình... (24-01-2024)
    Biết Sống (07-01-2024)
    Biển Của Mỗi Người (07-01-2024)
    Ấu Thơ Tươi Đẹp (07-01-2024)
    Áo Rách Và Nắm Bụi (07-01-2024)
    Ai Biểu Xấu (30-11-2023)
    Áo Tết (30-11-2023)
    Bên Sông (01-10-2023)
    Bóng Của Thành Phố (01-10-2023)
    Ăn cơm một mình (01-10-2023)
    Từ bi ươm sức sống (01-10-2023)
    Nhà mưa (24-08-2023)

Các bài viết cũ:
    Vạt nắng còn lại (19-07-2015)
    Trơ Trọi (14-07-2015)
    Người Mẹ Không Con (08-07-2015)
    Nỗi Lặng Yên (30-06-2015)
    Màu Thời Gian (22-06-2015)
    Mưa hạ (08-06-2015)
    Năm đại gia bất động sản và vợ chồng ngư phủ cùng ba điều ước (05-06-2015)
    Tội đồ trong kinh thánh? (30-05-2015)
    Mẹ (25-05-2015)
    Sài Gòn Giữa Cơn Mưa (14-04-2015)
    Nỗi Lặng Yên (28-03-2015)
    Răng Chừ Mưa Rơi Lại Buồn (16-03-2015)
    Tìm lại (08-03-2015)
    Một Cõi Đi Về (24-02-2015)
    Đóa hồng trắng giữa ngày Xuân (01-02-2015)
    Ngọn đồi hoa tím. (25-01-2015)
    Màu Thời Gian (12-01-2015)
    Khung trời tối giữa ban ngày (22-12-2014)
    Huế có những cơn mưa (05-12-2014)
    Vòm trời đêm (21-11-2014)
 
"Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam".

Chuyển Tiếng Việt


    Truyện Ngắn
Xa Xóm Mũi


   Sự Kiện

Lời Di Chúc của Vua Trần Nhân Tôn





 

Copyright © 2010 DanQuyen.com - Cơ Quan Ngôn Luận Người Việt Hải Ngoại
Địa Chỉ Liên Lạc Thư Tín:
E-mail: danquyennews@aol.com
Lượt Truy Cập : 152841084.